Lịch sử Giải vô địch bóng đá nữ thế giới

Vào năm 1988, 58 năm sau World Cup đầu tiên của nam vào năm 1930, FIFA tổ chức một giải đấu khách mời tại Trung Quốc với tính chất thử nghiệm để xem liệu việc tổ chức một kỳ World Cup nữ có khả thi hay không. 12 đội tuyển đã góp mặt trong giải đấu gồm 4 đội châu Âu, 3 đội châu Á, 2 đội Bắc Trung Mỹ và Caribe; còn lại Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương mỗi khu vực có một đội tham dự. Đội đương kim vô địch châu Âu Na Uy đánh bại Thụy Điển với tỉ số 1–0 trong trận chung kết trong khi Brasil giành vị trí thứ ba sau khi chiến thắng trước đội chủ nhà trong loạt luân lưu. Sự thành công của giải đấu là tiền để để FIFA chính thức phê chuẩn cho sự ra đời của World Cup bóng đá nữ, tổ chức lần đầu năm 1991 tại Trung Quốc.[1] Giải đấu có sự tham gia của 12 đội với nhà vô địch là đội tuyển Hoa Kỳ khi đánh bại Na Uy 2–1 trong trận đấu cuối cùng.

giải đấu thứ ba năm 1999, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử giải đấu là màn ăn mừng của hậu vệ đội Mỹ Brandi Chastain sau khi thực hiện thành công quả sút luân lưu quyết định trước Trung Quốc. Cô đã cởi bỏ chiếc áo thi đấu và vẫy chiếc áo vòng quanh đầu (giống như nam giới hay làm), để lộ ra cơ bắp và áo nịt ngực vận động của cô. Trận chung kết năm 1999 trên sân Rose Bowl ở Pasadena, California thu hút lượng khán giả kỉ lục 90.185 người cho một sự kiện thể thao nữ.[2]

Vào năm 2003, ban đầu Trung Quốc là nước được lựa chọn tổ chức, tuy nhiên giải đấu phải dời sang Hoa Kỳ do dịch SARS hoành hành tại khu vực châu Á.[3] Bù lại, Trung Quốc được giữ quyền đăng cai cho năm 2007. Đức tổ chức giải đấu tiếp theo vào năm 2011, sau khi được trao quyền đăng cai vào tháng 10 năm 2007. Vào tháng 3 năm 2011, FIFA trao cho Canada quyền tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2015, giải đấu đầu tiên có 24 đội tham dự vòng chung kết.[4] Trong giải đấu này Formiga của Brasil và Sawa Homare của Nhật Bản lập kỷ lục sáu lần tham dự các kì World Cup,[5] thành tích mà chưa từng một cầu thủ nào (cả nam hay nữ) từng làm được. Christie Rampone là cầu thủ nữ lớn tuổi nhất từng thi đấu trong một trận đấu khi cô 39 tuổi, 11 tháng, 23 ngày.[6] Vào tháng 3 năm 2015, FIFA trao cho Pháp quyền tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2019 sau khi vượt qua ứng cử viên Hàn Quốc trong cuộc bầu chọn.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giải vô địch bóng đá nữ thế giới http://www.cbc.ca/sports/soccer/story/2011/03/03/s... http://sportsillustrated.cnn.com/soccer/world/1999... http://resources.fifa.com/mm/document/tournament/c... http://www.fifa.com/en/womens/index.html http://www.fifa.com/womensworldcup/index.html http://www.huffingtonpost.com/2015/06/17/christie-... http://hemeroteca.mundodeportivo.com/preview/1988/... http://uk.reuters.com/article/2015/05/01/uk-soccer... http://www.rsssf.com/tablesw/women-worldcup.html http://www.sportsnetwork.com/default.asp?c=sportsn...